Phát huy hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ðồng bằng sông Cửu Long hiện có hai trong số năm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của cả nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Bước đầu đi vào hoạt động, các khu này thể hiện được vai trò, chức năng và mang lại hiệu quả.''

Mô hình trồng dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Thực tế, các khu nông nghiệp ứng dụng CNC ở đồng bằng sông Cửu Long còn bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn, nhất là việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ; thiếu vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư…

Hạ tầng chưa đồng bộ

Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập từ năm 2012 với tổng diện tích 5.200ha. Trong đó, khu vực trung tâm rộng 415ha và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC rộng 4.785ha nằm trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang được thành lập với mục tiêu hình thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC với nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra CNC phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng CNC để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Cùng với đó, hình thành phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đối với sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, làm mô hình để mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho tỉnh Hậu Giang và các địa phương trong vùng.

Ðến nay, năm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu này được triển khai với tổng vốn hơn 379 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn địa phương gần 150 tỷ đồng, còn lại là ngân sách trung ương. Hiện, chỉ mới hoàn thành ba dự án với tổng vốn hơn 45 tỷ đồng gồm các hạng mục như xây dựng trụ sở, hệ thống trung, hạ thế và trạm biến áp tại khu trung tâm, một phần tuyến đường giao thông số 2 và 3… Công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để mời gọi, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Trong giai đoạn 1 (từ năm 2013 đến 2020), Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang chỉ giải phóng được 10ha đất sạch để giao cho 4 dự án (quy mô mỗi dự án khoảng hơn 2ha). Hầu hết dự án này cũng đang trong giai đoạn mới bắt đầu các thủ tục để triển khai. Theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng rồi “một đi không trở lại”, chủ yếu là do điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, chưa đồng bộ.

Còn Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu được thành lập từ năm 2017 với diện tích 418ha. Chức năng của khu này là tập trung ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển CNC vào ngành tôm; sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học và các ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, đào tạo nhân lực CNC trong ngành công nghiệp tôm; tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học phục vụ ngành tôm; tổ chức sự kiện, hội nghị, hội chợ, trưng bày triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng CNC của tỉnh Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Do nguồn lực còn hạn chế cho nên việc đầu tư hạ tầng cho khu này chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Ðến nay, Ban Quản lý khu này mới giao hơn 20ha đất cho bảy doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 97 tỷ đồng…

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, khó khăn chung hiện nay là nguồn vốn ngân sách bố trí để đầu tư hạ tầng cho các khu nông nghiệp ứng dụng CNC còn ít, đầu tư nhỏ lẻ, chưa đồng bộ theo quy hoạch, quỹ đất sạch chưa nhiều, khó mời gọi, thu hút đầu tư. Việc liên kết các viện, trường để được hỗ trợ, liên kết về nhân sự, khoa học công nghệ, giống… chưa đi vào chiều sâu, kết quả còn khiêm tốn. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học chỉ ở mức thử nghiệm, chưa áp dụng vào thực tế ở mức độ sản xuất hàng hóa. Ðặc biệt, chưa có quy định cụ thể về mô hình và cơ chế quản lý đối với các khu nông nghiệp ứng dụng CNC chung của cả nước…

Cần nhiều nguồn lực đầu tư phát triển

Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang Nguyễn Việt Triều thông tin, trong giai đoạn 2021-2025, Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang cần khoảng hơn 333 tỷ đồng để thực hiện hai dự án. Ðó là dự án giải phóng mặt bằng 54,56ha (đã giải phóng được khoảng 25ha) để mời gọi đầu tư và dự án đầu tư xây dựng cầu số 1, đường số 5, đường số 1 thuộc khu trung tâm. Các dự án này hoàn thành sẽ giúp từng bước hình thành đồng bộ hạ tầng khu trung tâm kết nối với đường tỉnh 930, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư cũng như triển khai thực hiện các dự án khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên cho biết, với hệ thống các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đang được triển khai thi công và hoàn thành trong thời gian tới, tỉnh rất quan tâm đầu tư hạ tầng cho Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, vận chuyển, đi lại giữa khu với bên ngoài. Hậu Giang cũng đang áp dụng mức ưu đãi cao nhất đối với các dự án đầu tư vào đây. Tỉnh đã có chỉ đạo Ban Giám đốc Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hậu Giang tiếp tục phối hợp, hợp tác trình diễn, chuyển giao khoa học-công nghệ với các khu nông nghiệp ứng dụng CNC khác trên cả nước, với các viện, trường, các nhà khoa học trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm thúc đẩy các nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp theo mục tiêu đã đề ra.

Thực tế cũng cho thấy, để phát huy hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng CNC cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về khu nông nghiệp ứng dụng CNC…

BÀI VÀ ẢNH: PHÙNG DŨNG

Nguồn

nhandan.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *